Nhà sản xuất thực phẩm dạng nước có lợi cho sức khỏe hàng đầu Việt Nam

ĐỦ CÁCH LÀM MÓN NGON TỪ QUẢ MƠ

Mơ còn xanh thường dùng làm rượu, mơ vừa chín tới để ngâm với đường làm nước giải khát. Rượu mơ chữa được chứng phong thấp, đau bụng, cảm nắng, ra mồ hôi tay chân.

Dùng phần thịt của quả mơ giã nhỏ để làm mặt nạ sẽ giúp da mặt mịn, sáng hơn.

Quả mơ tên khác là mai, hạnh, Mak phung (Thái), Mác mòi, May phung (Tày). Đây là loại cây nhỏ, cao 4-5 m, lá mọc cách có cuống, mép khía răng cưa, hình bầu dục, đầu nhọn. Quả hạch, hình cầu, nhiều nạc, vị chua, hạt cứng trong có nhân. Quả mơ thu hái vào tháng 3-4

Toàn bộ phần quả mơ đều được tận dụng hết. Phần thịt chứa nhiều hữu cơ, đường, vitamin C có tác dụng giải khát, giảm mồ hôi, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Phần thịt để ăn còn phần hạt thì được giữ lại để chữa một số loại bệnh rất hiệu quả như ho, khó thở… Nhân của hạt mơ có chứa nhiều vitamin E nên được sử dụng như một lại thức ăn và làm mỹ phẩm để ngăn ngừa sự lão hóa của da
Ô mai mơ sử dụng như một món ăn chơi và có tác dụng chữa trị bệnh ho, hen suyễn, giun, viêm đại tràng… Mơ còn được dùng để làm thành thứ rượu mơ rất đặc biệt, vừa giải khát lại vừa giúp ăn cơm ngon miệng.

Quả mơ có nhiều chất xơ nhưng lại tương đối ít calori, vì thế mà mơ được nhiều chị em phụ nữ sử dụng để cân đối lại vóc dáng của mình. Ngoài ra, lượng crotenoids trong thành phần quả mơ khá lớn nên tốt cho da, mắt và bệnh ung thư.

Gợi ý một số cách tự làm món ngon từ mơ tại nhà

Ô mai mơ xí muội

Nguyên liệu

Quả mơ: 1kg

Đường: 500gr

Bột cam thảo: 100gr

Muối: 10gr

Cách làm

– Mơ mua về ngâm vào thau nước muối sạch trong khoảng 30 phút rồi rửa lại với nước sạch, để ráo nước.

– Chuẩn bị một cái nồi lớn, đổ vào đó một lớp đường, tiếp theo là một lớp mơ. Thực hiện lần lượt như vậy cho đến khi hết mơ. Nên nhớ, đường phải là lớp được phủ trên cùng. Ngâm mơ trong khoảng 6 – 7 tiếng đến khi đường được tan hết.

– Sau khi đường tan hết, bắc nồi mơ đã ngâm lên bếp đun với ngọn lửa to nhất, đun sôi đường thì vặn mức lửa nhỏ nhất, đảo đều và nhẹ tay, đun thêm khoảng 15 phút cho đến khi đường cạn gần hết và sánh lại, mơ cũng đổi màu thì tắt bếp.

– Đợi nồi mơ bớt nóng thì đổ ra khay, sau đó lấy 100gr bột cam thảo đổ vào khay mơ đã xào, trộn đều và trải ra để phơi khô.

Sau khi mơ đã khô thì để từng trái vào lọ thủy tinh, bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát và dùng dần.

Ô mai vị gừng, cam thảo

Nguyên liệu
Mơ xanh: 1kg
Gừng tươi: 300g
400g đường đỏ, 50g bột cam thảo, 70g muối

Cách làm
– Mơ rửa sạch, dùng dao khứa lên mơ, cho vào chậu nước muối ngâm trong 2 ngày, vớt ra để ráo. Gừng cạo sạch vỏ, băm nhuyễn, cho vào giã nhuyễn, lọc qua rây để phần xác và nước riêng. Muối giã mịn
– Cho mơ, đường, nước cốt gừng vào nấu trên lửa nhỏ, khi hỗn hợp sên lại cho xác gừng vào đảo đều. Tắt bếp
– Cho mơ vào khay cạn, cho vào lò vi sóng, sấy mơ ở nhiệt độ 90°C cho tới khi mơ khô lại là được. Khi mơ khô, cho muối, bột cam thảo vào xóc đều, hong thêm khoảng 5 phút nữa cho muối thấm vào mơ. Cho ô mai vào hũ thủy tinh, khi ăn lấy ra dùng dần.

Mơ ngâm đường

Nguyên liệu

Quả mơ: 1kg

Đường: 1kg

Lọ thủy tinh

Cách làm

– Mơ sau khi mua về, cần nhặt bỏ những quả bị thối, hỏng. Sau đó đem mơ đi rửa sạch, để ráo nước.

– Lọ tủy tinh cần được rửa sạch và dùng khăn lau khô. Sau đó, trải một lớp đường dưới đáy lọ.

– Khi mơ khô ráo, trải một lớp mơ vào lọ rồi lại một lớp đường. Bạn làm liên tục cho đến khi gần đến miệng lọ, xếp làm sao để lớp trên cùng là lớp đường. Lưu ý, bạn không nên để mơ, đường quá đầy vì như thế sẽ khiến mơ lâu ngấm đường, tốt nhất là để mơ cách miệng lọ khoảng 2cm.

– Nếu không thích dùng đường hạt, bạn có thể đun thành nước đường rồi đổ vào lọ mơ.

– Sau khi xếp hết mơ và đường vào lọ, bạn đậy nắp lại, không nên đậy nắp quá chặt vì khi lọ bị bịt quá kín có thể sẽ tạo ra khí gas. Đặt lọ ở nơi thoáng mát trong khoảng 1 tháng là có thể dùng được.

– Khi uống nước mơ ngâm, bạn có thể kèm theo một vài viên đá hoặc uống với nước ấm đều được.

Mứt mơ

Nguyên liệu
Mơ tươi: 1kg
Đường đỏ: 600g
200g gừng tươi, 300ml rượu vang trắng,15g muối

Cách làm

– Cho 10g muối, mơ và một ít nước vào trộn nhẹ cho mơ sạch lông. Xả lại bằng nước sạch, để ráo nước. Dùng tăm hoặc nĩa xăm lên mơ cho mơ ra bớt nước. Cho mơ vào ngâm với nước muối trong khoảng 3 – 4 giờ, vớt ra, để ráo. Gừng cạo sạch vỏ, băm nhuyễn
– Cho đường vào chảo, sên cho đường tan, cho mơ, gừng vào đảo nhẹ tay trên lửa nhỏ cho đường vào mơ. Đậy vung lại, rim cho mơ thấm
– Tắt bếp. Để mơ ngâm trong nước đường thêm khoảng 90 phút rồi bắc lên bếp sên lại lần nữa, cho rượu vào, khi mơ chuyển sang màu nâu sậm, đường sên lại là được
– Cho mứt mơ vào hũ dùng dần

Một số lưu ý khi sử dụng mơ

Mơ có vị chua, tính ấm, nếu ăn tươi nhiều sẽ hại răng, sinh đờm, tăng nhiệt. Người bị bệnh cảm, dạ dày nhiều axit, trẻ em bị lên đậu cấp tính cần kiêng ăn mơ tươi. Nhân hạt mơ có độc tính, khi ăn chất amygadalin và amygdalase kết hợp sinh ra prunasin và mandelonitrile bị phá hủy trong ruột tạo thành benzaldehyde và hydrocyanic axit rất độc. Vì vậy, mỗi khi sử dụng nhân hạt mơ để làm thuốc cần lưu ý đến liều lượng.

Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest